097.987.2098 - 024.6294.3068

Nhận diện đơn vị kiến thức phần Đọc hiểu môn Văn THPT

06/06/2018

Phần Đọc - hiểu chiếm một phần điểm không nhỏ trong đề thi Văn THPT. Vì thế, học sinh cần trang bị chắc chắn các đơn vị kiến thức về tiếng Việt để có thể hoàn thành tốt phần trả lời câu hỏi. Sau đây là cách nhận biết các phần kiến thức cơ bản.

Nhận diện phương thức biểu đạt trong văn bản

Nhận diện phương thức biểu đạt là một nội dung quen thuộc, thường gặp trong các đề thi đọc hiểu.

Để trả lời được câu hỏi nội dung này, học sinh phải được cung cấp lại những kiến thức về 6 phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và hành chính công vụ. Mỗi một hình thức biểu đạt nhằm hướng tới một mục đích nhất định, theo bảng dưới đây:

Nhận diện các phong cách ngôn ngữ

Trong chương trình THPT, học sinh đã được học tất cả 6 phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính.

Tuy nhiên trong thực tế, ngữ liệu để dùng đọc hiểu không chỉ được trình bày theo một phong cách ngôn ngữ duy nhất mà thường kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

Ví dụ phong cách ngôn ngữ chính luận và báo chí thường đi kèm với nhau; phong cách nghệ thuật và sinh hoạt cũng có thể đi kèm với nhau.

Nhận diện hình thức ngôn ngữ

Có hai hình thức ngôn ngữ là ngôn ngữ trực tiếp và ngôn ngữ nửa trực tiếp.

Ngôn ngữ trực tiếp gồm: Ngôn ngữ nhân vật (ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật với nhau trong truyện, hoặc chỉ là những lời độc thoại nội tâm của nhân vật); ngôn ngữ của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật).

Ngôn ngữ nửa trực tiếp: Ngôn ngữ đan xen giữa lời của nhân vật với lời của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp).

Nhận diện các phương thức trần thuật

Gồm: Trần thuật từ ngôn thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm.

Nhận diện các kiểu câu

Gồm: Câu chia theo mục đích nói (Câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến);

Câu chia theo cấu trúc/chức năng ngữ pháp: Câu chủ động/câu bị động; câu bình thường/câu đặc biệt; câu đơn/câu ghép.

Nhận diện các biện pháp tu từ

Giáo viên cho học sinh nhận diện các biện pháp tu từ so sánh; ẩn dụ; hoán dụ; nhân hóa; nói giảm, nói tránh, cường điệu; điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp; phép đối; dùng từ láy.

Nhận diện các thể thơ

Giáo viên cho học sinh nhận diện các thể thơ: Ngũ ngôn (mỗi câu thơ chỉ có năm tiếng); thất ngôn (mỗi câu thơ có bảy tiếng); lục bát (một câu sáu tiếng, một câu tám tiếng tạo thành một cặp);

Lục bát biến thể (thường biến thể ở câu tám có thể biến thể thành 9 đến 13 tiếng); song thất lục bát (hai câu 7 tiếng và một cặp lục bát); tự do (số tiếng trong mỗi dòng thơ không đều nhau).

Nhận diện các thao tác lập luận

Các thao tác lập luận bao gồm: Thao tác giải thích (là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý mình);

Thao tác chứng minh: Là đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến để thuyết phục người đọc nghe và tin tưởng vào vấn đề;

Thao tác phân tích khái niệm: Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và những mối liên hệ bên trong bên ngoài của đối tượng;

Thao tác so sánh khái niệm: So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật;

Bình luận khái niệm: Bình luận là bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng…đúng hay sai, hay/dở, tốt/xấu, lợi/hại,… đề nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng;

Thao tác lập luận bác bỏ khái niệm: Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái hiển nhiên của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn của mình.

Nhận diện phương pháp lập luận

Các phương pháp lập luận gồm: Phương pháp diễn dịch (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở đầu đoạn);

Phương pháp quy nạp (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở cuối đoạn); phương pháp song hành (không có câu chốt, câu chủ đề, tất cả các câu cùng tập trung hướng tới một chủ đề chung);

Phương pháp móc xích; phương pháp tổng – phân – hợp (có hai câu chốt nằm ở đầu và cuối đoạn nhưng hai câu này không giống nhau). 

Green Academy Support