Kĩ năng làm bài nghị luận về ý kiến bàn về tác phẩm văn học trong bài thi Ngữ văn THPT quốc gia
01/06/2018
Một nhận định, phê bình, ý kiến đánh giá văn học được đưa ra. Có thể mang tính tổng hợp, có thể nhận định một tác phẩm cụ thể. Và học sinh phải dùng kiến thức một hoặc nhiều tác phẩm để chứng minh.
Những năm gần đây, đề thi thường cho hai nhận định trong đề, hoặc tương đồng (đều đúng) hoặc đối lập (một đúng và một sai). Từ đó, học sinh dùng thao tác phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ….để làm bài.
CẤU TRÚC (DÀN Ý) CHUNG LÀM DẠNG ĐỀ NÀY NHƯ SAU:
I. MỞ BÀI:
- Nêu vấn đề, dẫn ý kiến vào (bằng lí luận) → đối với HS khá, giỏi.
- Thông thường phần mở bài của dạng này là:
+ Giới thiệu vài nét tác giả, tác phẩm.
+ Nêu vấn đề nghị luận (ý kiến nhận định).
II. THÂN BÀI:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm (0.5 điểm) → ý này có thể đưa lên làm phần mở bài.
2. Giải thích ý kiến, nhận định (0,5 điểm)
- Giải thích bám sát tác phẩm và phong cách tác giả (nếu hai nhận định thì giải thích lần lượt từng nhận định).
3. Chứng minh, phân tích, cảm nhận nhận định ý kiến (2.5 điểm)
(Phần này chiếm nhiều điểm nhất)
4. Bình luận ý kiến, nhận định (0.5 điểm)
- Phủ định/ bác bỏ ý kiến sai. Vì sao?
- Khẳng định ý kiến đúng. Vì sao?
- Kết hợp hai ý kiến (bổ sung). Vì sao?
III. KẾT BÀI: Đánh giá chung về vấn đề.
Đề bài tham khảo:
Đề 1: Tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc ( Tố Hữu) ( ngữ văn 12 tập 1)
Đề 2: Có ý kiến cho rằng “ “Sóng” của Xuân Quỳnh mang vẻ đẹp của tình yêu truyền thống”. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng “Tình yêu trong “Sóng” là tình yêu hiện đại”. Phân tích “Sóng” – Xuân Quỳnh để chứng minh hai ý kiến trên.
Đề 3:
Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính tiêu biểu cho vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Đề 4:
Có ý kiến cho rằng: sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa – Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.
Từ việc phân tích về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 5: Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài.”( Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn, 1965)
Trình bày hiểu biết của anh/ chị về vấn đề trên.