097.987.2098 - 024.6294.3068

Cách làm bài nghị luận xã hội trong bài thi Ngữ văn THPT quốc gia

30/05/2018

Viết bài văn nghị luận xã hội là yêu cầu bắt buộc trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia. Chính vì thế, thí sinh cần nắm được các dạng và cách làm bài phần này để vận dụng những kiến thức và kĩ năng cho phù hợp. Tuy nhiên, khác với bài nghị luận về văn học, học sinh sẽ bám sát vào nội dung, chủ để của tác phẩm thì nghị luận xã hội lại yêu cầu các thí sinh cần có những hiểu biết nhất định về xã hội, theo dõi các tin tức sự kiện đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày và tâp thói quen suy luận, rút ra bài học nhận thức cho bản thân.

Sau đây là hướng dẫn cụ thể về cách làm bài văn nghị luận xã hội theo hai dạng đề phổ biến, thường gặp nhất giúp các em chinh phục dễ dàng bài thi Ngữ văn trong kì thi THPT quốc gia sắp tới.

1. Văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lý
A. MỞ BÀI:
- Giới thiệu tư tưởng, đạo lí mà đề bài yêu cầu.

- Đưa ra hướng tiếp cận vấn đề.

B. THÂN BÀI:

1. Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận: 0,5 điểm (khoảng 10 dòng)

- Các em cần lưu ý bám sát tư tưởng đạo lí, tránh suy diễn chủ quan, chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh ẩn ý.

- Đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu.

2. Bàn luận tư tưởng đạo lí đặt ra trong đề bài: 2,0 điểm (khoảng 1,5 đến 2 mặt giấy thi)

a. Bàn luận về mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu. Các em cần lưu ý:

- Phân tích, đánh giá những khía cạnh khác nhau của tư tưởng được nêu ra.

- Dùng lí lẽ, lập luận và dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo lí được bàn luận.

- Khi bàn luận, đánh giá cần thận trọng, khách quan, có căn cứ vững chắc.

b. Bàn luận về mức độ đầy đủ, toàn diện của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu. Các em cần lưu ý:

- Trả lời các câu hỏi: Tư tưởng đạo lí ấy đã đầy đủ, toàn diện chưa? Có thể bổ sung thêm điều gì?

- Lật đi lật lại vấn đề, xem xét từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ để đánh giá và bổ sung cho hợp lí, chính xác.

- Cần có tư tưởng vững vàng, dám đưa ra chính kiến riêng miễn có lí, có tinh thần xây dựng và phù hợp đạo lí.

3. Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống: 0,5 điểm (khoảng 10 dòng):

- Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.

- Nên rút ra hai bài học, một về nhận thức, một về hành động.

- Bài học cần thực tế, sát thực và có ý nghĩa.

C. KẾT BÀI:

- Đánh giá tổng quan, khái quát lại tư tưởng được đặt ra.

- Mở rộng và nâng cao vấn đề cần bàn luận.

2. Văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống
A. MỞ BÀI:

- Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận

- Trình bày suy nghĩ, hướng giải quyết vấn đề

B. THÂN BÀI:

1. Giải thích hiện tượng đời sống: 0,5 điểm (khoảng 10 dòng)

- Bám sát hiện tượng đời sống mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.

- Làm nổi bật được vấn đề cần bàn bạc trong bài.

2. Bàn luận về hiện tượng đời sống đặt ra trong đề bài: 2,0 điểm (khoảng 1,5 đến 2 mặt giấy thi)

- Phân tích các mặt, biểu hiện của sự việc, hiện tượng đời sống cần bàn.

- Nêu đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, lí giải mặt tích cực cũng như hạn chế của sự việc, hiện tượng ấy, bày tỏ thái độ đồng tình, biểu dương hay lên án, phê phán.

- Chỉ ra nguyên nhân của của sự việc, hiện tượng ấy, nêu phương hướng khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của sự việc, hiện tượng.

3. Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống: 0,5 điểm (khoảng 10 dòng)

Liên hệ với bản thân và thực tế đời sống, rút ra bài học nhận thức và hành động. (Đề xuất bài học về cách sống, cách ứng xử nói chung và đối với bản thân nói riêng.)

C. KẾT BÀI:

- Đánh giá khái quát về sự việc, hiện tượng đời sống được đặt ra.

- Nâng cao và mở rộng vấn đề.

Green Academy Support