Mẹo nhanh giúp học sinh tránh “mất điểm” phần đọc hiểu môn Ngữ văn trong kì thi THPT Quốc gia
29/05/2018
Kì thi THPT Quốc gia đang đến rất gần, chắc chắn các sĩ tử đã lên dây cót và chuẩn vững vàng về cả kiến thức lẫn tinh thần cho thử thách sắp tới. Việc nắm chắc kiến thức đương nhiên vẫn là điều ưu tiên hàng đầu nhưng như thế chưa đủ. Khi vào những dạng bài cụ thể, điều quan trọng nhất là học sinh cần biết chiết xuất và chắt lọc những đơn vị kiến thức cụ thể để hoàn thành các phần câu hỏi. Để chiếm trọn điểm và cảm tình của người chấm bài, học sinh cần có những “mẹo” làm bài nhất định để tránh mất điểm oan một cách đầy tiếc nuối.
Điều tiên quyết đầu tiên khi bắt đầu mọi bài làm là các em cần hiểu câu hỏi, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm cùng với tư duy nhanh nhẹn, sáng tạo. Nghe có vẻ công thức, giáo điều nhưng chính việc mạch lạc trong tư duy làm bài sẽ giúp các em giành được điểm cao trong bài thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Chúng ta đều biết, trong đề thi môn Ngữ văn, phần đọc hiểu thường chiếm ba điểm và có một đoạn ngữ liệu cho trước. Đó có thể là đoạn văn, đoạn thơ, văn xuôi nghệ thuật hay một kiểu văn bản nào đó,…với bốn câu hỏi phân làm các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đây là phần dễ “ăn điểm” nhưng học sinh lại thường để mất điểm oan ở phần này. Nguyên nhân chính là các em chưa gọi đúng chuẩn đơn vị kiến thức tiếng Việt, không đọc kỹ yêu cầu đề bài và lập luận thiếu chặt chẽ, thiếu thuyết phục ở những câu đòi hỏi mức thông hiểu và vận dụng cao.
Vậy, có bí kíp gì để thí sinh “chiếm trọn” điểm phần này?
Liên quan đến vấn đề mà có lẽ rất nhiều học sinh quan tâm và còn gặp nhiều băn khoăn này, chúng tôi lưu ý với các em một vào điều mấu chốt trong việc trả lời các câu hỏi như sau:
Câu hỏi nhận biết (câu số 1)
Câu hỏi này có thể hỏi các em về phong cách ngôn ngữ văn bản, phương thức trần thuật, phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận, biện pháp tu từ,..
Do vậy, để tránh mất điểm “oan” ở phần đọc hiểu. Đối với câu hỏi nhận biết các em trả lời ngắn gọn, bám sát vào yêu cầu của đề bài. Ví dụ đề bài hỏi: Hãy xác định phong cách ngôn ngữ văn bản. Nếu đó là phong cách ngôn ngữ khoa học thì trả lời luôn, tránh lan man dài dòng gây mất thời gian.
Câu hỏi thông hiểu (câu số 2 và 3)
Phần này chủ yếu yêu cầu các em trả lời hiểu biết về một từ, một ngữ, một câu, một nhận định. Với những câu hỏi thông hiểu, các em cần phải tư duy và suy nghĩ về nghĩa của từ, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu bài có nhiều ý nên viết thành một đoạn văn ngắn gọn, súc tích dưới dạng quy nạp, diễn dịch,…
Câu hỏi nâng cao (câu số 4)
Câu hỏi nâng cao sẽ yêu cầu các em tìm ra một câu văn thể hiện ý nghĩa chủ đề của văn bản thể hiện được thông điệp, ý nghĩa chủ đề của toàn bộ tài liệu đọc hiểu. Để trả lời câu hỏi này không chỉ đòi hỏi sự nhận biết, tư duy mà còn phải có sự suy ngẫm sâu xa về thông điệp, ý nghĩa của toàn bộ văn bản.a
Kết luận, phần đọc hiểu là một trong những phần không hề khó và rất giản đơn để đạt điểm tối đa. Điều quan trọng nhất, các em phải ghi nhớ và áp dụng tốt những đơn vị kiến thức tiếng Việt thật tốy. Hi vọng với các lưu ý trên sẽ giúp những em ôn tập thật tốt và giành được điểm tối đa trong phần này.