Bí quyết chinh phục đọc hiểu văn bản thi Ngữ văn THPT quốc gia
06/06/2018
Để làm được phần này phải đòi hỏi người học có một năng lực đọc hiểu văn bản nhất định trên một nền tảng kiến thức cơ bản. Năm 2015, trong kỳ thi THPT quốc gia có những thay đổi về cấu trúc đề thi và tiếp tục được thực hiện. Vì vậy cần phải trang bị cho học sinh lại một cách có hệ thống và bài bản những kiến thức, kĩ năng phục vụ cho việc đọc hiểu văn bản của học sinh.
Hệ thống hóa những kiến thức cơ bản
Để giúp học sinh hình thành năng lực đọc hiểu, giáo viên phải giúp các em ôn tập củng cố lại một hệ thống những kiến thức cơ bản đóng vai trò làm nền tảng, bao gồm:
Kiến thức về từ loại (khái niệm, phân loại từ); kiến thức về câu (khái niệm, phân loại câu); kiến thức về các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, nói giảm, nói tránh, điệp từ, điệp ngữ, phép đối, …);
Kiến thức về các loại phong cách ngôn ngữ (phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính công vụ);
Kiến thức về các hình thức biểu đạt (tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận và hành chính công vụ).
Khi củng cố cho học sinh những kiến thức đó, giáo viên phải làm sao học sinh ghi nhớ một cách bản chất, tránh việc ghi nhớ kiến thức lí thuyết quá nhiều mà không hiểu được bản chất.
Lưu ý với cấp độ thông hiểu
Cấp độ thứ hai của các đề văn đọc hiểu văn bản là thông hiểu. Ở cấp độ này đề phải yêu cầu các em phải trả lời được các câu hỏi sau:
Thứ nhất: Nội dung chính của văn bản? Tóm tắt nội nội dung của văn bản? Với câu hỏi dạng này HS cần đọc kĩ văn bản, có thể dựa vào nhan đề và những câu văn mở đầu và kết thúc của văn bản để xác định nội dung chính.
Thứ hai: Nếu văn bản không có nhan đề thì đề bài có thể sẽ yêu cầu học sinh đặt cho nó một nhan đề phù hợp với nội dung.
Thứ ba: Trả lời được các câu hỏi vì sao?
Thứ tư: Phân tích được ý nghĩa và tác dụng của việc ngắt nhịp (nếu văn bản ngữ liệu là văn bản thơ).
Cấp độ vận dụng
Cấp độ này đòi yêu cầu học sinh phải trả lời được được những câu hỏi sau:
Tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản?
Ý nghĩa của một số từ ngữ đặc biệt trong văn bản, thường là những từ ngữ được dùng với nghĩa chuyển, nghĩa hàm ẩn chứ không phải là những từ ngữ chỉ có nghĩa trực tiếp.
Viết một đoạn văn liên quan đến nội dung của văn bản, hoặc viết đoạn văn thể hiện suy nghĩ riêng của bản thân.
Trước đây rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản cho học sinh, giáo viên thường bắt đầu bằng việc hướng dẫn học sinh đọc hiểu từng văn bản một. Cách làm này rất mất thời gian, bởi những văn bản dùng làm ngữ liệu đọc hiểu văn bản rất phong phú đa dạng, giáo viên không thể dạy hết cho học sinh được. Với hệ thống kiến thức như trên, giáo viên không phải mất nhiều thời gian hướng dẫn học sinh giải từng đề cụ thể mà chỉ cung cấp cho các em “chìa khóa” để đọc hiểu văn bản.
Chìa khóa đó là một hệ thống những kiến thức, kĩ năng cần thiết mà học sinh phải có để sử dụng trong qua trình đọc hiểu một văn bản thông thường. Khi học sinh đã có một nền tảng kiến thức cơ bản thì giáo viên chỉ cần mình họa bằng một số đề cơ bản. Từ đó học sinh hoàn toàn có thể chủ động, tự tin khi đứng trước bất cứ một đề đọc hiểu văn bản nào.