Nhan đề, hành trình cầm bút và ý thức sáng tạo/sở hữu (của cá nhân, tập thể)
13/06/2018
Văn học luôn gắn bó với đời sống, nhà văn thâm nhập và biểu hiện cuộc sống theo những con đường khác nhau. Nhan đề tác phẩm, nhìn từ phương diện này, giữ vai trò như một cột mốc đánh dấu từng chặng đường thâm nhập cuộc sống của tác giả. Nếu Nguyễn Tuân không đi thực tế Tây Bắc, với khát khao khám phá chất vàng mười của thiên nhiên và con người nơi đây, chắc chắn không thể có những trang viết tài hoa độc đáo như trong tuỳ bút “Sông Đà”. Một nhà văn trẻ hỏi Nguyễn Tuân: “Thưa bác, bác đã viết Sông Đà như thế nào ạ”. Nguyễn Tuân cười hóm hỉnh, rồi trả lời rất ngắn: “Tôi đi, tôi viết”.Tên gọi “Sông Đà” đã trở thành biểu tượng cho một chuyến đi, nó nói lên bài học về kinh nghiệm sống, vốn sống đối với người sáng tác. Nguyễn Huy Tưởng đi chiến dịch biên giới 1950, viết “Kí sự Cao Lạng”. Tô Hoài đi cùng bộ đội tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952, ông có điều kiện thấu hiểu cuộc sống tủi nhục của đồng bào các dân tộc miền núi dưới ách phong kiến thực dân, nên viết thành công“ Truyện Tây Bắc”. Khi Tố Hữu giác ngộ lí tưởng cộng sản, ông có tập thơ “Từ ấy”.Những tên gọi như“Xiềng xích”,“Ra trận”,“Giải phóng”, “Lên Tây Bắc”... đều phản ánh được từng chặng đường hoạt động cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Nếu như, đối với các nhà văn - chiến sĩ, nhan đề thường in đậm cảm quan chính trị và nhiệt hứng yêu nước cao đẹp; thì ngược lại, đối với sáng tác của nhà văn lãng mạn, ngay từ nhan đề, người đọc có thể nhận thấy rõ một vài gợi ý về cái “tháp ngà nghệ thuật” do anh ta dựng nên. Cách đạt nhan đề vừa cho thấy sự tìm tòi đa dạng của nghệ sĩ.
Tác phẩm văn học dân gian thường không có nhan đề, đó là tài sản chung của cộng đồng, phản sánh kiểu tư duy tập thể. Nhan đề, với tư cách yếu tố cận văn bản, xuất hiện hầu hết ở các tác phẩm văn học viết. Việc đặt nhan đề hay không đặt nhan đề liên hệ mật thiết với ý thức sáng tạo cá nhân, với ý thức sở hữu văn bản.