Hướng nghiệp cho con luôn là vấn đề vô cùng đau đầu của cha mẹ vì nó quyết định đến toàn bộ tương lai của con cái. Hiện nay có nhiều phương pháp hướng nghiệp đa dạng nhưng chưa có một giải pháp nào thực sự gắn kết sở thích, đam mê của con với hoàn cảnh nghề nghiệp tại Việt Nam. Thuyết con nhím - tuy ra đời với mục tiêu ban đầu là quản lý, đào tạo nhân sự trong các công ty nhưng lại khá hữu dụng để giúp con hướng nghiệp.
Thuyết con nhím là gì?
Thuyết con nhím (Hedgehoge Concept), được bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp giữa một con nhím và một con cáo. Con cáo tuy ma mãnh và biết rất nhiều thứ nhưng điểm yếu của nó là suy nghĩ hay bị phân tán. Nhím thì chậm chạp và không ồn ào như Cáo nhưng nó lại hiểu rõ nhất về thế mạnh của mình. Kết quả là, Cáo thua Nhím hết lần này đến lần khác, thân hình chi chít những cái gai.
Câu chuyện ngụ ngôn cho ta thấy một thực tế là: Hãy tập trung vào một điểm mạnh duy nhất của bản thân, vì điều đó sẽ giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh và giành nhiều khả năng chiến thắng hơn. Thuyết con nhím nổi tiếng từ năm 2001, được Jim Collins phát triển hoàn chỉnh trong cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” – 1 trong 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị theo bình chọn của Tạp chí Forbes.
Thuyết con nhím ra đời dựa trên sự hội tụ của ba yếu tố: Thứ con thích, Thứ con giỏi, và Thứ xã hội cần. Điểm giao thoa giữa ba yếu tố này chính là nghề nghiệp lý tưởng của con.
Thuyết con nhím - Bí quyết chọn nghề nghiệp lý tưởng cho con
Giữa vô vàn phương pháp và hình thức hướng nghiệp đa dạng, thuyết con nhím vẫn có chỗ đứng riêng. Thông qua đánh giá dựa trên Thuyết con nhím, cha mẹ sẽ giúp con xây dựng được nhận thức về cuộc sống và nghề nghiệp. Qua đó, con sẽ chọn được công việc đúng sở thích, phù hợp với năng lực và sát với thị trường việc làm thực tế hơn.
Vậy, làm sao để áp dụng thuyết con nhím trong hướng nghiệp cho con?
Qua bài viết này, GCA sẽ đưa ra gợi ý về các bước giúp cha mẹ có thể sử dụng thuyết con nhím để cùng con hoạch định nghề nghiệp cho tương lai chỉ với 5 bước cơ bản:
Bước 1: Khám phá “Thứ con thích”
Đầu tiên, hãy cùng con tìm ra sở thích của mình. Bước này khá dễ dàng với cha mẹ, vì cha mẹ là người theo sát con từ khi lọt lòng nên hiểu khá rõ về thiên hướng cũng như ước mơ của con. Nếu con đã biết xác định rõ đam mê của mình, cha mẹ có thể chuyển sang Bước 2 luôn. Nhưng nếu con vẫn đang loay hoay không biết mình thích làm gì, cha mẹ có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý sau:
— Ở trường, con có hứng thú đặc biệt với môn học nào?
— Con có sở thích hay đam mê tìm hiểu về lĩnh vực gì không?
Bước 2: Xác định “Thứ con giỏi”
Ở bước này, cha mẹ cần đánh dấu những điểm mà con có khả năng vượt trội. Để dễ dàng đánh giá điểm vượt trội của con, cha mẹ có thể dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra giả định khách quan, chính xác như điểm các môn học trên trường của con, cách con suy nghĩ và ra quyết định hàng ngày… Từ điểm vượt trội đó, cha mẹ sẽ dễ dàng đưa ra danh sách những nghề nghiệp có thể phù hợp với năng lực của con.
Chẳng hạn, nếu con hay đạt điểm cao về môn Toán, hay có khả năng tính nhẩm khá nhanh tiền khi đi mua sắm cho cả nhà, rất có thể con có khả năng phân tích logic về số liệu. Với năng khiếu này, con có thể lựa chọn các nghề nghiệp phù hợp như kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính…
Bước 3: Tìm hiểu “Thứ xã hội cần”
Dù con có đam mê hay năng lực về lĩnh vực gì, thì lựa chọn nghề nghiệp của con cũng cần phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Nói cách khác, ngoài chuyện giúp con xác định đam mê và năng lực của mình, cha mẹ cũng cần cập nhật thường xuyên xu hướng về nghề nghiệp trong xã hội để có cái nhìn thực tế hơn.
Cha mẹ có thể dễ dàng tra cứu và tổng hợp thông tin về thị trường lao động thông qua một số nguồn tham khảo như website của Tổng cục thống kê, các trang báo chính thống, hay qua thông tin truyền miệng từ người thân, bạn bè. Ngoài các luồng thông tin trên, cha mẹ cũng có thể chủ động nhờ tư vấn của các giáo viên của Green City Academy.
Bước 4: Tìm điểm giao thoa – nghề nghiệp lý tưởng
Đây là bước then chốt và quan trọng nhất trong Thuyết con nhím. Dựa trên ba yếu tố (tương ứng với ba bước nêu trên), cha mẹ sẽ cùng con lựa chọn ra nghề nghiệp phù hợp nhất.
Chẳng hạn, theo ví dụ đã đề cập ở trên, nếu con thích tính nhẩm nhanh, và hay được điểm cao trong môn toán, con có thể theo một trong các ngành như kiểm toán, kế toán, phân tích tài chính… Hiện tại, nghề phân tích tài chính đang có xu hướng đi lên khi ngày càng nhiều công ty cần nhân sự phân tích và tối ưu tài chính doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường hiện đã thừa nhân lực về kế toán, kiểm toán. Vậy nên, nghề nghiệp thích hợp cho con và giúp con bớt được cạnh tranh, cũng như tăng cơ hội phát triển sự nghiệp chính là nghề phân tích tài chính.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được điểm giao thoa phù hợp. Chẳng hạn như con đam mê tìm hiểu về lịch sử và có kết quả học tập khá cao cho môn này. Thế nhưng, các ngành về lịch sử lại có rất ít cơ hội việc làm và có nhu cầu nhân sự không cao. Trong trường hợp này, thay vì làm nhà sử học, cha mẹ có thể linh hoạt giúp con tham khảo các ngành có liên quan đến lịch sử như làm về văn hoá trong các tổ chức phi chính phủ. Các vị trí về lịch sử – văn hoá trong tổ chức phi chính phủ sẽ giúp con tiếp cận được nhiều cơ hội hơn trong tương lai, mà vẫn thoả mãn sở thích ban đầu của con.
Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh
Sau khi đã xác định điểm giao thoa (nghề nghiệp đã chọn), cha mẹ cần giúp con đánh giá định kỳ lựa chọn của mình so với ba yếu tố còn lại theo gợi ý sau:
— Thứ con thích: Con có còn yêu thích nghề mình chọn hay không?
— Thứ con giỏi: Con có còn duy trì kết quả học tập cho các môn có liên quan đến nghề đó tốt hay không? Con có còn tự trau dồi kiến thức về các môn học đó hay không?
— Thứ xã hội cần: Nghề mà con chọn hiện đang có chiều hướng đi lên về nhu cầu không? Còn có nhiều vị trí trống cho nghề đó không? Hay các nhà tuyển dụng có đang ráo riết tìm nhân sự cho vị trí đó hay không?
Từ kết quả đánh giá định kỳ, cha mẹ có thể cùng con đưa ra điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với cả ba yếu tố trên.
Thuyết con nhím là một học thuyết có tính ứng dụng cao giúp phụ huynh chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực của con và đòi hỏi của xã hội. Tất nhiên, nếu chỉ sử dụng riêng học thuyết này là chưa đủ. Cha mẹ còn cần dựa trên nhiều phương pháp khác để đưa ra quyết định đúng đắn về nghề nghiệp cũng như con đường học vấn, sự nghiệp của con sau này.