097.987.2098 - 024.6294.3068

Những kiến thức cơ bản về Lí luận văn học (P2)

23/06/2018

Lí luận văn học rất cần thiết khi làm dạng bài Nghị luận văn học. Nó khiến bài làm của các em thêm sâu sắc và có căn cứ khoa học về chuyên môn đồng thời khiến vấn đề được soi chiếu kĩ càng trên nhiều bình diện.

Bài viết dưới đây sẽ tiếp tục cung cấp cho các em những khái niệm cơ bản trong lí luận văn học.

5. Nhà văn – văn bản – bạn đọc


+ Nhà văn: người sáng tạo ra văn bản => thực hiện quá trình kí mã => Ý đồ nghệ thuật, cách lí giải của nhà văn về văn bản chỉ là một khả năng hiểu văn bản.

+ Bạn đọc: ngưòi tiếp nhận văn học => thực hiện quá trình giải mã.

+ Văn bản: là một bộ mã, có thể chấp nhận nhiều cách giải khác nhau nhưng phải phù hợp với các mã đã được nhà văn kí gửi.

6. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ


+ Mô tả (so sánh với hình tượng nhân vật trong tác phẩm tự sự)

Hiện ra qua giọng điệu, trạng thái tâm hồn, cảm xúc (nhân vật trong tác phẩm tự sự: có diện mạo, tính cách, hành động cụ thể)

+ Phân loại:

- Xét sự xuất hiện của tác giả trong tác phẩm:

• Cái tôi trữ tình: tác giả

• Nhân vật trữ tình nhập vai: khi tác giả hoá thân vào nhân vật khác trong tác phẩm.

- Xét về vai trò:

• Chủ thể trữ tình (người trực tiếp bộc lộ cảm xúc)

• Đối tượng trữ tình: đối tượng hướng tới của tâm trạng chủ thể trữ tình

+ Ví dụ:

- “Sóng”: xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình “sóng” – nhân vật trữ tình nhập vai, đối tượng trữ tình mang vẻ đẹp của khao khát tình yêu thuỷ chung, nồng nàn, mãnh liệt.

+ Ứng dụng:

Phân tích hình tượng nhân vật trữ tình trong một bài thơ.

7. Giá trị hiện thực


+ Là gì:

- Phạm vi hiện thực đời sống mà tác phẩm phản ánh.

- Tác phẩm nào cũng có giá trị hiện thực. (Vì văn học bắt nguồn từ cuộc sống: hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện thực tình cảm, tâm lí…)

+ Biểu hiện:

Hiện thực phản ánh trong tác phẩm thì vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nói đến giá trị hiện thực trong một tác phẩm văn học người ta thường đề cập 3 nét chính:

- Phơi bày chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh.

- Chỉ ra nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người.

- Miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người.

Ở mỗi một tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực được biểu hiện đa dạng. Cùng phản ánh tình cảnh khốn quẫn của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, Ngô Tất Tố miêu tả nỗi chật vật về vật chất của chị Dậu vì nạn sưu cao thuế nặng, một cổ nhiều tròng, Nguyễn Công Hoan phơi bày chân thực sự cùng đường tuyệt lộ của người nông dân (“Bước đường cùng”), Nam Cao lại đi vào mảng hiện thực sâu kín nhất, tăm tối nhất – địa hạt tâm lí để lột trần bi kịch bị tha hoá, nỗi đau tinh thần khắc khoải của những con người dưới đáy của xã hội – Chí Phèo.

+ Vai trò:

- Thể hiện cái nhìn hiện thực sâu sắc hay hời hợt của nhà văn.

- Dấu hiệu của một tác phẩm có giá trị.

+ Ứng dụng:

- Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm. (Chí Phéo, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt…)

- Phân tích nhân vật làm rõ giá trị hiện thực mới mẻ và độc đáo trong một tác phẩm. (nhân vật Chí Phèo, nhân vật Mị, nhân vật người phụ nữ vợ nhặt…)

8. Giá trị nhân đạo


+ Là gì:

- Hạt nhân: lòng yêu thương con người.

- Đối tượng: thường là nỗi khổ.

+ Biểu hiện: 3 khía cạnh cơ bản.

- Cảm thông với số phận đau khổ của những con người nhỏ bé, bất hạnh.

- Tố cáo các thế lực gây ra đau khổ cho con người.

- Phát hiện, khám phá và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn trong những con người bất hạnh.

Ở mỗi tác phẩm khác nhau, những khía cạnh có sự biến đổi phong phú, linh hoạt. Chẳng hạn, cùng viết về người phụ nữ với cái nhìn trân trọng, yêu thương sâu sắc, Ngô Tất Tố khám phá ở Chị Dậu vẻ đẹp truyền thống, thuỷ chung, không tì vết; Kim Lân phát hiện ra nét nữ tính và khát vọng hạnh phúc bất diệt trong tâm hồn người vợ nhặt, còn Tô Hoài thì khơi tìm sức sống tiềm tàng, mãnh liệt nơi cô gái vùng cao - Mị…

+ Vai trò:

- Thể hiện tầm vóc tư tưởng của nhà văn

“Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Biêlinxki)

- Là một trong những dấu hiệu của một tác phẩm giàu giá trị (Văn học là nhân học. Nghệ thuật chỉ có nghĩa khi hướng tới con người, yêu thương con người).

+ Ứng dụng:

- Phân tích giá trị nhân đạo trong một tác phẩm (Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo…)

- Làm rõ giá trị nhân đạo độc đáo và mới mẻ của một tác phẩm qua việc phân tích nhân vật (Phân tích nhân vật Tràng, phân tích nhân vật Mị, phân tích nhân vật Chí Phèo…)

+ Mối quan hệ giữa giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo:

- Gắn bó hài hoà trong một tác phẩm.

- Các khía cạnh biểu hiện nhìn chung tương đồng chỉ khác biệt ở chỗ: nếu nói giá trị hiện thực là nhắc tới sự trình bày, miêu tả hiện thực một cách tương đối khách quan thì nói tới gía trị nhân đạo tức là đã bao hàm thái độ của nhà văn (cảm thông, thương xót, đồng tình, ngợi ca…)



Green Academy Support