Thời gian vàng cho mọi hoạt động tư duy
21/06/2018
Bài vở ngày càng nhiều, mỗi môn học lại có đặc tính riêng. Vậy học vào khung giờ nào cho hiệu quả?
4h30 - 6h : Học lý thuyết
Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, đây là khung giờ lý tưởng nhất cho việc học, đặc biệt là học thuộc lòng.
Đây là khoảng thời gian bầu không khí trong lành, không gian yên tĩnh, đầu óc thư thái sau khi trải qua một giấc ngủ hồi sức. Lúc này, cơ thể nhiều năng lượng nhất, não bộ thư thái và dễ tiếp thu thông tin nhất, việc học thuộc lòng sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Song, việc thức dậy sớm khá khó khăn với nhiều bạn. Nhưng hãy cố gắng thôi chiều chuộng bản thân mình một chút. Tối hôm trước đi ngủ sớm vào khoảng 9 đến 10 giờ, đặt đồng hồ báo thức và dậy ngay khi có tiếng chuông báo thức. Sau đó làm vệ sinh cá nhân, một vài động tác thể dục nhẹ để cơ thể tỉnh táo. Khi đầu óc tỉnh táo, hãy ngồi vào bàn học và bắt đầu công việc.
Có thể thời gian đầu bạn sẽ gặp nhiều khó khăn như buồn ngủ, không thức dậy được. Nhưng sau khi quen dần thì đây là giờ học thuộc lòng rất hiệu quả đấy!
7h15 - 10h : Học các môn liên quan đến xã hội, văn học, ngôn ngữ
7h15 - 10h là khoảng thời gian tối ưu cho việc học các môn liên quan đến xã hội, văn học, ngôn ngữ. Các môn này cũng đòi hỏi phải ghi nhớ một lượng kiến thức nhất định và ít đòi hỏi tư duy logic hơn.
Hãy thử luyện tập các môn liên quan đến xã hội, văn học, ngôn ngữ trong khoảng thời gian này và cùng chờ đợi hiệu quả nhé!
14h - 16h30 : Học các môn tự nhiên
Khoảng thời gian buổi chiều không quá lý tưởng cho các môn học thuộc lòng và các môn xã hội. Bạn sẽ học tập hiệu quả hơn nếu dành quãng thời gian này cho các môn tự nhiên, đòi hỏi tư duy logic và tính toán nhiều.
19h45 - 22h30 : Học các môn yêu cầu phải tính toán hoặc không phải nhớ nhiều
Chắc chắn đây không phải thời gian lý tưởng để học thuộc lòng hay học những kiến thức rắc rối. Vì sau một ngày dài học tập và làm việc, não bộ đã khá mệt mỏi. Lúc này, chúng ta không nên "ép" não bộ quá mức bằng cách học những kiến thức phức tạp hay đòi hỏi ghi nhớ nhiều, vì điều này sẽ khiến chúng ta nhanh mệt mỏi và chán nản.
Thay vào đó, hãy học những môn yêu cầu tính toán hoặc không phải nhớ nhiều. Những môn này không đòi hỏi phải tư duy quá nhiều, giúp não bộ dễ chịu hơn, cũng dễ tiếp thu thông tin hơn.
Một lưu ý nhỏ là bạn nên xen kẽ những khoảng nghỉ ngắn để não bộ thư giãn và mắt nghỉ ngơi. Theo phương pháp Pomodoro, thì cứ khoảng 25 đến 33,5 phút bạn lại nghỉ ngơi một lúc, rời khỏi bàn học, đi dạo xung quanh và giải trí nhẹ nhàng. Nhưng lời khuyên là không nên giải trí bằng cách lướt Facebook, điều này dễ khiến bạn sa đà vào cuộc vui thay vì tiếp tục học tập, và cũng ảnh hưởng đến mắt nữa.
Hi vọng với những lưu ý trên, bạn sẽ có một thời gian biểu hợp lý cho việc học tập hiểu quả.
Nguồn: Ohay.TV