097.987.2098 - 024.6294.3068

Công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 và cuộc vật lộn kiếm tìm công danh

11/07/2018

Biết điểm thi THPT Quốc gia 2018, hàng nghìn thí sinh và phụ huynh lại cuốn mình theo cơn lốc chọn trường, chọn ngành học.
Theo dự kiến, hôm nay, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018. Kỳ thi này đã kết thúc nửa tháng trước đây. Đó cũng là chừng ấy ngày, thí sinh và phụ huynh thấp thỏm mong chờ kết quả thi.
Sau khi biết kết quả thi sẽ là một cuộc chạy đua vào các trường đại học mà tương lai còn mờ mịt với một dấu hỏi lớn không biết sau 4 năm nữa sẽ đi đâu, về đâu?


Ngày hôm qua, tôi nghe chia sẻ của hai người bạn với hai lựa chọn rất khác nhau về tương lai của con cái.

Người bạn thứ nhất đang là một lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước nói rằng, sẽ cho cậu con trai học làm đầu bếp. Ước mơ của cháu là sẽ mở một cửa hàng bán các loại bánh ngọt của riêng mình. Anh đồng ý với lựa chọn của con vì cho rằng, nếu cháu đam mê, yêu thích thì sẽ thành công. Quan điểm của anh, con muốn làm nghề gì cũng được chỉ cần con là người có ích cho xã hội.


Người bạn thứ hai, đang làm việc cho một công ty nước ngoài chia sẻ, sẽ cho con du học. Theo nhận xét của thầy cô và cha mẹ, thì con rất yêu thích và có năng lực tốt trong các môn khoa học tự nhiên. Anh chị muốn con du học để không trở thành "mọt sách". Bởi con có kế hoạch sẽ vừa học vừa làm. Quyết tâm du học của con anh càng trở nên mãnh liệt hơn sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, khi cháu thấy rằng, việc học và thi quá nặng nề, căng thẳng tới mức không cần thiết. Và thông tin hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp mỗi năm đã thực sự khiến em phải suy ngẫm!


Đã nhiều năm qua chúng ta nói mãi câu chuyện về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Thực tế, nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường đã không xin được việc, nhiều ngành nghề cung vượt quá cầu gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc của xã hội. 
Đại học dành cho ai? Chắc chắn không phải dành cho những kẻ kém cỏi. Như hiện nay, tự chủ đại học đang khiến các trường “vơ bèo gạt tép”, cái thiệt thòi thuộc về gia đình và bản thân các em bởi lãng phí 4 năm đại học. Nói như vậy không có nghĩa những người không theo con đường học vấn thì sẽ không có cơ hội tiến thân.


Kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc, nhiều gia đình đã nghĩ tới việc cho con “tị nạn giáo dục”. Bởi, rất nhiều gia đình có điều kiện, con em họ có tố chất tốt nhưng họ không tin tưởng vào môi trường đào tạo ở Việt Nam; nhiều kỹ năng của học sinh sau khi vào đại học đã bị thui chột. Giáo dục đại học là giáo dục về chuyên môn, nghiệp vụ… nhưng thực tế, thời gian qua, sinh viên ra trường, sau khi vào các cơ quan, đơn vị thì đều phải đào tạo lại. Mỗi người phải mất ít nhất 6 tháng, hoặc hàng năm trời để nắm bắt được công việc thực tế.


Bạn tôi, đã học 4 năm chuyên ngành tài chính – kế toán; đầu quân cho vài công ty lớn nhỏ, nhưng cuối cùng điểm dừng của anh lại là một nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn Âu cho giới trẻ ở Hà Nội. Đã có lần anh chia sẻ, biết cuộc đời thế này mình đã không để phí 4 năm đi học đại học, cộng thêm vài năm mầy mò, tìm kiếm con đường phù hợp với mình, khi ngoảnh lại thì đã trung niên.


Dù quan niệm “học là con đường duy nhất để tiến thân” đã dần thay đổi nhưng nói chung nhiều người vẫn nặng chuyện tiến thân nhờ bằng cấp. Nhiều người mong cho con có tương lai an nhàn, tìm được công việc “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Việc học là cần thiết để tạo dựng những nền tảng cơ bản về tri thức, về phương pháp tư duy, nhận thức… nhưng không quá lệ thuộc vào những kiến thức hàn lâm.

Giáo dục, ngoài việc trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học cơ bản thì cũng cần có những kỹ năng khác để sinh tồn, phát triển.
Sau nhiều năm "cải tiến, cải lùi", thành công của giáo dục Việt Nam là gì có lẽ chưa nhìn thấy rõ, nhưng điều ai cũng  thấy đó là những bấn loạn của nhiều gia đình trước những chọn lựa sinh tử cho tương lai của con; là những năm dài đèn sách nhưng đành thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề; là sự may mắn xin được công việc phù hợp với chuyên môn nhưng đơn vị sử dụng lao động lại phải đào tạo lại gần như từ đầu; là việc rất nhiều gia đình có điều kiện cho con ăn học nhưng lại phải đầu tư ngoại tệ ra nước ngoài... Thực tế này đã khiến hàng trăm nghìn người đau đầu suy nghĩ sau mỗi lần công bố điểm thi THPT Quốc gia


Green Academy Support