097.987.2098 - 024.6294.3068

Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn thi vào lớp 10 (phần 1)

12/06/2018


1. Đồng chí – Chính Hữu

- “Đồng chí” là tên gọi của một tình cảm mới, đặc biệt xuất hiện và phổ biến trong những năm cách mạng và kháng chiến.
- Tên bài thơ khẳng định sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính Cụ Hồ – những con người cùng chung cảnh ngộ,chung chí hướng,lý tưởng, gắn bó bền chặt trong chiến đấu gian khổ thời kì chống Pháp.

- “Đồng chí” , đó là tiếng gọi thiêng liêng sâu thẳm, nơi hội tụ, kết tinh của bao tình cảm đẹp: tình giai cấp, tình bạn, tình người trong chiến tranh.

2. Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật

- Bài thơ có một nhan đề khá dài, tưởng có chỗ thừa nhưng lại thu hút người đọc bởi sự khác lạ, độc đáo.
- Nhan đề của bài thơ làm nổi bật hình ảnh toàn bài: những chiếc xe không kính. Đây là một phát hiện thú vị của tác giả thể hiện sự am hiểu và gắn bó với hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn.
- Hai chữ “Bài thơ” càng thể hiện rõ cách khai thác nội dung độc đáo của tác giả: Phạm Tiến Duật không chỉ viết về những chiếc xe không kính, viết về hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà chủ yếu ông muốn khẳng định chất thơ toát lên từ hiện thực trần trụi ấy. Đó là chất thơ của thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi, có một trái tim luôn đập vì miền Nam phía trước.


3. Bếp lửa – Bằng Việt


- Bếp lửa vốn là một hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đinh người VN đã trở thành hình ảnh tượng trưng gợi kỉ niệm ấm áp của tình bà cháu.
- Bếp lửa là nơi bà khơi dậy lên tình cảm, những khát vọng trở thành ngọn lửa của tình yêu, niềm tin.
- Bếp lửa không chỉ hiện thân tươi đẹp về bà mà còn là kỉ niệm thiêng liêng nâng bước người cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

4. Ánh trăng – Nguyễn Duy:

-“Ánh trăng” là thứ ánh sáng êm dịu, ánh sáng ấy có thể thâm nhập vào những nơi khuất lấp trong tâm hồn con người để thức tỉnh họ nhận ra những điều sai trái, hướng con người ta đến với những giá trị đích thực của cuộc sống.
- “Ánh trăng” như ánh sáng của hàng nghìn nến đã thắp sáng lên một góc tối của con người, thức tỉnh sự ngủ quên của con người về nghĩa tình thủy chung với quá khứ, với những năm tháng gian lao nhưng rất hào hùng của cuộc đời người lính.

5. Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải

- "Mùa xuân nho nhỏ" là một nhan đề độc đáo, hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm - ước nguyện tận hiến chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.
+ Mùa xuân là biểu tượng cho vẻ đẹp, cho sức sống thanh tân tươi trẻ, cho những gì tinh khiết nhất của đất trời.
+ Từ láy "nho nhỏ" làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất khiêm nhường.
-> Đặt tên cho tác phẩm như thế, nhà thơ đã thể hiện khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành, tha thiết, cao đẹp: ước muốn làm mùa xuân nho nhỏ nghĩa là đem tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của mình, dẫu có nhỏ bé để hòa vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước. Nhan đề bài thơ cũng đã thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
-> Nhà thơ Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Tuy một tâm hồn, một tài năng đã khép lại, nhưng những gì thuộc về chất ngọc trong trái tim, tấm lòng của nhà thơ vẫn còn để đời cho hậu thế trân trọng, nâng niu.
Tên bài thơ thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình góp vào mùa xuân lớn của dân tộc, của cuộc đời. 

6. Sang thu – Hữu Thỉnh
- Nhan đề bài thơ “Sang thu” trước hết giúp người đọc cảm nhận được những tín hiệu đặc trưng cuả mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
- Nhan đề này cũng bộc lộ những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyền biến của đất trời trong khoảnh khắc sang thu.
- Qua nhan đề “Sang thu” người đọc phần nào cảm nhận được những rung cảm của Hữu Thỉnh trước vẻ đẹp tạo hóa, thể hiện tình yêu thiên nhiên cuộc sống của nhà thơ.


Green Academy Support